Quần thể danh thắng Chùa Hương
Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, từ lâu đã là điểm đến nổi tiếng của những ngày đầu năm. Mỗi năm, lễ hội chùa Hương diễn ra từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch, thu hút hàng triệu lượt du khách đến lễ Phật cầu an. Đến với quần thể danh thắng Chùa Hương, du khách sẽ được đi thuyền xuôi dòng theo suối Yến để tới “cõi Phật bồng lai”, chiêm ngưỡng 18 đền, chùa, hang, động đẹp ngoạn mục. Hàng năm, việc đi lễ chùa Hương đã trở thành một thói quen của người Việt, đặc biệt là ở phía Bắc.
Non thiêng Yên Tử
Nằm ở Đông Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), quần thể kiến trúc nổi tiếng này có nhiều ngôi chùa, am, tượng và tháp xen lẫn cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với đỉnh cao nhất là ngọn Yên Tử cao 1.068 m so với mặt nước biển.
Để tới quần thể danh thắng này, du khách có thể lựa chọn đi cáp treo từ Chùa Giải Oan lên đến Chùa Hoa Yên, sau đó đi cáp treo lên cổng trời (Chùa Đồng) hoặc đi quãng đường bộ dài 6 km được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá. Trên đỉnh cao nhất của Yên Tử là Chùa Đồng. Kiến trúc, hoa văn và họa tiết của ngôi chùa được trang trí tinh xảo, mang phong cách đặc trưng đời Trần.
Di tích Yên Tử còn sở hữu bức tượng đồng nguyên khối Phật Hoàng Trần Nhân Tông cao 15 m, nặng 138 tấn, nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh.
Quần thể kiến trúc tâm linh Sun World Fansipan Legend
Tọa lạc trên đỉnh Fansipan cao 3.143 m, để tới quần thể này, du khách sẽ trải nghiệm hành trình cáp treo qua những cánh rừng đại ngàn xanh ngút mắt và thung lũng Mường Hoa tuyệt đẹp. Bước ra khỏi ga cáp treo, băng qua sân mây, du khách sẽ thấy Vọng Lĩnh Cao Đài sừng sững. Từ Vọng Lĩnh cao đài, du khách sẽ đi qua cổng trời Thanh Vân Đắc Lộ để đến với Bích Vân Thiền Tự ở độ cao 2.000 m. Tiếp đó là đường La Hán, nơi đặt 18 bức tượng La Hán cao 2,5 m dưới những gốc đỗ quyên hàng trăm năm tuổi. Kim Sơn Bảo Thắng Tự có trung tâm là Đại Hùng Bảo Điện, quy tụ nhiều pho tượng Phật do các nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng của Việt Nam chế tác.
Theo news.zing.vn