Cho thue xe mien trung gia re 2
Cho thue xe mien trung gia re

Có một Bình Định rất khác

Bình Định bây giờ đã là cái tên rất hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Núi non, biển trời vừa yêu kiều vừa hùng vĩ như thỏi nam châm thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Nhưng không chỉ có Kỳ Co, Eo Gió, Trung Lương, Bình Định còn có rất nhiều điểm đến thú vị đầy chất hoang sơ, mới mẻ và tuyệt đẹp. Đó là những nơi chốn vừa gần gũi vừa xa xôi của một Bình Định rất khác.

Những nơi chốn mộng mơ hoang vắng

Với những ai yêu mến vẻ đẹp hoang sơ đầy thơ mộng thì hồ Núi Một là nơi không thể bỏ qua khi đến Bình Định. Từ TP.Quy Nhơn di chuyển theo hướng QL19, tới ngã tư xã Nhơn Tân (TX.An Nhơn), rẽ trái đi khoảng 8 km là tới hồ Núi Một. Đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Bình Định với rừng cây xanh mướt, mát rượi bao quanh.

Đến đây, người ta dễ bị choáng ngợp trước một thiên nhiên rộng lớn. Hồ được dãy núi An Trường bao bọc, yên bình vắt ngang ranh giới giữa thị xã An Nhơn và huyện Vân Canh, xung quanh là những tầng tầng lớp lớp cây cối che phủ gợi vẻ bí ẩn, hoang vắng. Men theo bờ đập, đi chừng 700 m nữa, đứng trên cao sẽ thấy toàn cảnh không gian hồ Núi Một đầy mộng mơ với bãi cỏ rộng lớn bao quanh hồ nước xanh trong vắt.

Những cơn gió thổi ngang mặt hồ, lả lơi trên làn tóc người lữ khách, đưa thứ hương mùa hè dịu nhẹ từ rừng cây bạt ngàn quanh đó như trao gửi món quà cho những ai yêu mến vẻ đẹp của thiên nhiên khoáng đạt. Đã đến hồ Núi Một, khó lòng bỏ qua một chuyến chèo con thuyền nhỏ đi một vòng hồ giữa bao la trời đất.

Mọi thứ sẽ tựa hồ như cảnh phim cổ trang quay chậm nếu bạn bước chân yên vị trên thuyền và cảm nhận những tĩnh lặng mây trời, gió nước. Cứ thế, hồ Núi Một đã mê hoặc không biết bao nhiêu bước chân vượt nắng vượt dặm đường xa ngái để chạm đến.

Một cảnh giới khác biệt, trái ngược với sự tĩnh lặng của mặt hồ chính là thác nước đổ cách đó khoảng 15 phút leo núi. Từ độ cao khoảng 40 m, thác nước không tên này đêm ngày đổ nước tung bọt trắng xóa hệt như những dải lụa bị lãng quên trong thẳm sâu rừng núi. Nắng tắt, bạn có thể ghé thăm ngôi làng của người đồng bào dân tộc Bana với nét văn hóa đặc trưng trong từng bữa ăn mộc mạc. Một người bạn kể chuyện, thật không gì sướng bằng ban ngày thăm thú một vòng hồ, đêm đến dựng trại, nổi lửa nướng gà ngay tại chỗ, nghe mùi đêm núi rừng quanh quẩn dưới ánh trời sao…

Đó là chuyện của núi. Xứ được biển ưu ái cho nhiều vũng vịnh đẹp như Bình Định luôn có những bãi biển đẹp. Vũng Bồi ở Đề Gi là một trong những vũng biển đẹp nhưng vẫn là một ẩn số với đại đa số khách du lịch phương xa cũng vì đường đi hơi cách trở và chưa có công ty nào đứng ra đầu tư hay quảng bá mạnh mẽ như các điểm đến Trung Lương, Kỳ Co, Eo Gió. Thế nhưng, khi đến đây rồi, người ta sẽ thấy những công sức bỏ ra là vô cùng xứng đáng.

Đi đến cảng cá Đề Gi lâu đời, ngồi trên một chiếc ca nô để ra vùng đảo vắng. Những ngày biển êm, đảo hiền lành đón chúng tôi với bờ cát thoai thoải, nước xanh trong vắt và tĩnh lặng không một bóng người. Trong mỗi chúng ta, dường như ai cũng có cho mình một giấc mơ được làm Robinson trên hoang đảo. Và đến Bình Định, không gì lý tưởng hơn việc biến mơ thành thực một cách khá dễ dàng.

Đảo đón khách lặng thầm đó mà rộn ràng đó. Khi người dẫn đường vội vã mặc lên người bộ đồ lặn để đi săn cá, chúng tôi biết bữa tối sẽ ngon lành, tươi mới lắm đây. Và rồi chừng 2 tiếng sau, anh trở về với xâu cá mó xanh, cá hồng, cá mú đủ loại còn thở ngáp ngáp. Giữa biển trời lộng gió và thênh thang mùi biển, chúng tôi được thưởng thức món gỏi cá ngon nhất đời ăn kèm rau thơm chanh ớt gọn nhẹ. Một trải nghiệm khó lòng trộn lẫn với hàng trăm trải nghiệm khác ở những nơi chốn khác.

Mùa hè là mùa của những rộn ràng biển gọi. Bình Định cũng đã rộn ràng từ lâu với rất nhiều bãi biển, đảo thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, với những du khách muốn đôi chân, tâm hồn mình dạo bước qua một ngã rẽ khác trái ngược với sự ồn ào tấp nập kia thì cũng có rất nhiều lựa chọn ở đây. Một trong những điểm đến đặc biệt tại Bình Định chính là một ngôi chùa cổ. Đây được xem là nơi còn lưu giữ nhiều vẻ đẹp của một thời vang bóng. Nói như trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Thập Tháp Di Đà là một trong những ngôi danh lam cổ tự của Việt Nam, có tuổi đời hơn 300 năm, tọa lại tại thị xã An Nhơn, Bình Định. Ngôi cổ tự này được sáng lập bởi thiền sư Nguyên Thiều, thuộc dòng thiền lâm tế chánh tông đời thứ 33. Từ QL1A, gần đoạn cầu Vạn Thuận, rẽ vào chùa chỉ chừng trăm mét nhưng không gian đã chuyển đổi rõ rệt với những đường nét cổ kính ngay từ bên ngoài cổng chùa. Theo cuốn “Chùa Thập Tháp Di Đà” do đại sư Thích Kiên Viên biên soạn, con đường đất to lớn vừa dẫn đến chùa chính là một đoạn thành phía bắc của thành Đồ Bàn (Vijaya) còn sót lại đến ngày nay.

Chùa Thập Tháp tựa lưng vào đồi Long Bích nhìn về hướng đông, ngay cạnh phía bắc ngoại thành Đồ Bàn. Nguyên xưa kia tại vùng đồi Long Bích này có mười ngôi tháp Chăm mà ngày nay người dân vẫn quen gọi là Gò Thập Tháp. Tuy nhiên, những ngôi tháp này đã sụp đổ hết từ trước khi ngôi chùa được hình thành. Dấu tích còn sót lại của người Chăm ở đây là ba cái giếng hình vuông khá độc đáo.

Chia tay chùa Thập Tháp, trên đường về huyện Phù Cát theo tỉnh lộ 639, đoạn ngang qua Cát Hải, có một điểm dừng chân đặc biệt. Đó là một hang đá rộng lớn được cây xanh quanh năm phủ bóng xanh mát. Bên trong là một dòng suối nhỏ róc rách chảy bốn mùa. Theo người dân địa phương kể lại, đây là hang đá trắng rất thiêng. Cách đây hàng trăm năm về trước, có một con cọp trắng trấn giữ vùng đất này. Nó chọn hang đá này làm nơi trú ẩn và rồi hóa thành ông tiên râu tóc bạc phơ sau khi chết. Về sau, người ta dựng ở đó một ngôi chùa nhỏ, ngày ngày cầu an và tưởng nhớ vị bạch hổ đã có công giữ yên một vùng đất.

thanhnien.vn

Đặt xe trực tuyến tại đây

Họ và tên
Điện thoại
Email
Mục đích
Ngày đi
Ngày về
Nơi đi
Nơi đến
Chiều đi
Hiệu xe:
Loại xe