Khu vườn rộng hơn 4 ha nằm cuối đường Minh Mạng trở thành địa điểm đầu tư xây dựng làng Hành Hương và người vẽ thiết kế để xây dựng khu du lịch có kinh phí 120 tỷ đồng này không ai khác chính là ông Trường và những người bạn của ông. Sau ba năm miệt mài xây dựng, bằng cả mồ hôi lẫn niềm đam mê của mình, cuối năm 2004 làng Hành Hương chính thức đưa vào hoạt động.Là khu nghỉ dưỡng mang đậm chất làng quê Việt, kiến trúc của Làng Hành Hương cân bằng giữa văn hóa Huế với môi trường, giữa nghệ thuật hiện đại và phong cách truyền thống. Làng có 99 phòng, ba nhà hàng, bốn quầy bar, hai bể bơi, một khu spa cùng các dịch vụ thể thao giải trí. Tháng 8/2007, Tổ chức "Những khách sạn nhỏ sang trọng của thế giới" (The Small Luxury Hotels of the World) có trụ sở tại Anh công nhận Làng hành hương là thành viên tổ chức này. Năm 2007, làng này được độc giả Tạp chí The Guide thuộc Thời Báo Kinh Tế Việt Nam bình chọn là một trong sáu khu du lịch "Hòa nhập với môi trường thiên nhiên". Đây là khu nghỉ dưỡng năm sao đầu tiên ở Huế và là "một trong sáu resort đẹp nhất của châu Á" do độc giả Tuần Báo Chủ Nhật của Anh (Sunday Weekly) bình chọn.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ IV ( 2003-2008) công bố năm ngoái với kết quả có 3 tác phẩm, công trình được Hội đồng chung khảo xếp Giải hạng A: trong đó công trình kiến trúc Làng Hành Hương của nhóm thiết kế: Nguyễn Nguyến - Đinh Thế Anh - Nguyễn Hà - Nguyễn Thành Linh - Nguyễn Văn Hoàn - Lê Văn Trường đạt điểm cao nhất 9.66 điểm. Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo giải thưởng này thì công trình kiến trúc Làng Hành Hương là một công trình có giá trị thẩm mỹ cao, phát huy được bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và là một công trình phát huy rất tốt hiệu quả du lịch văn hóa của mình. Ẩn sau chiếc cổng được làm bằng gạch nung là hàng chục ngôi biệt thự khang trang được xây dựng bằng nhiều chất liệu dân gian thoáng đãng với hàng ngàn cây xanh, hoa cỏ. Đặc biệt ở đó đang hồi sinh các làng nghề truyền thống của đất Phú Xuân xưa, như: nghề thêu, tạc tượng, chằm nón...Làng Hành Hương là nơi dành cho những du khách đã chán với cảnh phố phường đông đúc, nhà hàng, máy lạnh đúng như ý tưởng của chủ nhân "khi làm khu du lịch này, chúng tôi muốn đây không chỉ là nơi để ăn, ngủ, mà còn là cơ hội để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa Việt Nam, cũng như vẻ thơ mộng, quyến rũ của văn hóa Huế".Họa sỹ Đặng Mậu Tựu- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TT Huế thành viên của ban giám khảo còn nhận xét thêm: “ Điều chúng tôi đánh giá cao nhất ở công trình kiến trúc này là đây là một công trình được xây dựng trên một công trình thủy lợi Nam Sông Hương đã bị bỏ hoang. Từ phế tích đó ông Lê Văn Trường đã có cái nhìn vừa rất chiến lược lại vừa rất nghệ thuật để tạo nên một kiến trúc du lịch đặc biệt tạo thành một điểm đến hấp dẫn cho Huế là Làng Hành Hương bây giờ. Tôi nghĩ khu làng du lịch này sẽ tiếp tục được nhiều du khách trên thế giới tìm đến trong thời gian đến”
Khác với nhiều công trình kiến trúc hiện đại mới được xây dựng trong những năm gần đây, Làng Hành Hương đã thể hiện được không gian và thời gian xưa cũ lại rất gần gũi trong tâm tưởng của những người thích sự thanh thản và bình yên nơi tâm hồn. Kiến trúc này thực sự là một điểm nhấn của văn hóa du lịch Huế cho hôm nay và sẽ còn nguyên giá trị cho dù thời gian sẽ thay đổi rất nhiều nét sinh hoạt của con người trong tương lai...
Nguồn : NetCoDo