Di chuyển
Hiện nay, đường từ Hà Nội lên Tam Đảo rất thuận tiện và dễ di chuyển, đường đi chủ yếu là quốc lộ đẹp và rộng, phân chia làn đường rõ ràng nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm trong việc đi lại. Chỉ có duy nhất một đoạn leo núi lên Tam Đảo dài khoảng 10km có khúc cua và dốc cao đòi hỏi phải tay lái vững vàng.
Nếu đi xe ô tô: Bạn di chuyển theo hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long ra ngoại thành Hà Nội, đi theo hướng sân bay Nội Bài, sau đó rẽ vào quốc lộ 2. Đi khoảng 500m rẽ phải vào Cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đến điểm rẽ vòng xuyến địa phận huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc chuyển hướng vào Quốc lộ 2B cũ, sau đó đi khoảng 13km nữa là đến thị trấn Tam Đảo.
Nếu đi xe máy: Bạn cũng di chuyển về hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long, rẽ vào quốc lộ 2, đi thẳng đến thành phố Vĩnh Yên. Sau khi đi qua Big C Vĩnh Yên, chú ý biển chỉ dẫn Tam Đảo 25km phía bên phải. Đi theo hướng đó để đến Tam Đảo.
Ngoài ra, bạn có thể đi xe khách Nhật Nam, xe khách Tiến Thịnh… có dịch vụ đón khách trả khách tại phòng rất thuận tiện. Hoặc đi xe bus khứ hồi Hà Nội – Tam Đảo.
Chỗ ở
Phòng ở Tam Đảo khá rẻ và có view đẹp, thoáng mát với giá trung bình từ 300.000 – 500.000 đồng/ đêm. Nếu đi vào cuối tuần bạn nên chủ động đặt phòng trước để tránh bị tăng giá và kín chỗ. Hiện nay, một số homestay, biệt thự ở Tam Đảo với bể bơi tràn bờ giá khoảng từ 1 triệu – 1.5 triệu/ đêm cho 2 người cũng được nhiều người chọn lựa.
Các điểm du lịch ở Tam Đảo
Khu du lịch ở Tam Đảo không quá rộng, các địa điểm du lịch ở đây khá gần nhau nên nếu đặt phòng ở trung tâm bạn chỉ cần đi bộ là có thể khám phá được.
Tháp truyền hình: Nằm ở độ cao 1.375m trên đỉnh Thiên Nhị, để lên được đây bạn phải vượt qua gần 1.400 bậc đá. Đường lên tuy vất vả nhưng cảnh sắc dọc đường khá lãng mạn và nên thơ với các loài hoa dại và cây cối xanh mướt. Đặc biệt, khi chinh phục được đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xung quanh thu gọn cảnh sắc tuyệt đẹp của thị trấn trong sương mù huyền ảo.
Nhà thờ đá cổ Tam Đảo: Nhà thờ đá cổ Tam Đảo được xây dựng năm 1906 ngay đường lên núi Thiên Nhị. Ban đầu, đây chỉ là mô hình nhà sàn lợp lá được người Pháp dựng lên. Mãi đến năm 1937 nhà thờ mới được xây dựng kiên cố lại bằng đá theo lối kiến trúc Gothic điển hình. Đây được xem là điểm “check-in” không thể thiếu khi đến Tam Đảo.
Thác Bạc: Nằm ẩn mình sâu trong lòng núi rừng, thác Bạc hiện lên thật sinh động với hình ảnh dòng nước nhỏ chảy từ khe núi trên cao len lỏi qua các vòm cây rồi đổ xuống chân thác. Đường xuống thác không quá dài nhưng lại khó đi, đường rất hẹp, trơn và cheo leo, một bên là núi đá, một bên là vực thẳm hiểm trở nên du khách nhớ chú ý an toàn.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn: Đây là một trong những khu khu lịch tâm linh mà bạn không thể bỏ qua khi đến với Tam Đảo. Đoạn đường lên đây, bạn sẽ vượt qua 200 bậc đá, đường lên xuyên qua khu rừng trúc xanh mướt, thơ mộng.
Ăn gì ở Tam Đảo?
Một trong những đặc sản không thể bỏ qua khi đi du lịch Tam Đảo là thưởng thức ngọn su su. Ở Tam Đảo, su su được trồng rất nhiều, xanh mướt bên sườn núi, ngay trước cửa nhà. Do thời tiết mát mẻ quanh năm nên ngọn su su ở đây lúc nào cũng mơn mởn, thơm ngọt. Bạn có thể nếm thử ngọn su su xào tỏi, su su luộc chấm mắm tỏi, su su xào thịt bò đều rất hấp dẫn.
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức các món ăn từ gà đồi, gà bọc đất nướng hay lợn mán nướng, hấp… cũng đều rất ngon.
Chú ý: Do thời tiết ở Tam Đảo chênh lệch khá lớn so với Hà Nội nên bạn cần chuẩn bị các loại áo khoác mỏng để tránh bị lạnh khi về đêm. Nếu di chuyển bằng xe máy nên đi các loại xe số, gầm cao. Kiểm tra kỹ phanh trước và sau của xe trước khi đi.
Tam Đảo khá gần Hà Nội nên chỉ cần 2 ngày 1 đêm bạn đã có thể khám phá được cảnh sắc tuyệt đẹp ở đây với chi phí vừa phải, hợp lý./.
Báo Dân trí