Cà ra sống ở vùng nước lợ, ven các con sông ở xã Yên Đức. Cà ra rất kén môi trường sống, nên chúng chỉ chọn những nơi có môi trường sống còn trong sạch, thích hợp. Nếu như với các loài ghẹ, cù kì, cua đều có một càng rất to, một nhỏ thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 cẳng.
Anh Nguyễn Minh Thường - sinh ra và lớn lên ở xã Yên Đức chia sẻ: "Ngày xưa, những đám trẻ chăn trâu ở khu vực bờ sông Bãi Sú thường rủ nhau đi đào cà ra. Lúc ấy cà ra nhiều vô kể, chúng đào hang làm tổ hệt như cua. Hang cà ra vừa sâu lại nhiều ngách thoát hiểm, phải đào bằng thuổng. Nhiều khi hang không thông nên đám trẻ thường cho một nắm vôi vào khiến chúng xót mình phải bò ra. Xưa cà ra nhiều lắm, có hang đếm được đến trên mười con. Giờ đây, khi cà ra khan hiếm khó đánh bắt, bỗng dưng thành đặc sản. Hiện, giá một cân cà ra sông từ 180.000 - 230.000đồng/kg tùy theo loại cà ra to hay nhỏ".
Cà ra là giống phát triển tự nhiên nên có thể nấu thành nhiều món ăn và cách chế biến cũng rất dân giã. Đôi khi, chỉ là món cà ra nấu canh bầu đã làm mâm cơm gia đình thêm phần ấm cúng: Cà ra rửa sạch, tách mo và yếm, phần thân tráng qua nước sạch để ráo, đem xay nhuyễn lọc lấy nước, khi xay cho một ít muối vào xay cùng, phần gạch ở mo lấy ra để riêng. Cho nước cà ra đã lọc lên bếp đun nhỏ lửa để phần thịt cà ra nổi đều trên bề mặt, sau đó nghiêng nồi cà ra sang một phía bếp, đun nhỏ lửa để phần thịt cà ra bồng gọn về một phía, sau đó thả bầu về phía không có thịt cà ra nổi lên trong nồi canh. Khi bầu chín thì nêm gia vị vừa đủ, cho lá lốt vào rồi bắc ra.
Sau đó, phi thơm hành tỏi khô với một chút dầu ăn rồi cho phần gạch cà ra vào phi cho chín. Khi đơm canh ra bát thì lấy phần gạch đã chín rưới đều lên trên bát canh. Lúc múc canh nhớ múc cho khéo không để vỡ phần gạch cho bát canh đẹp và hấp dẫn hơn.
Ngoài món cà ra nấu canh, nhiều người lại thích món cà ra được bóc vỏ, bỏ càng, chặt đôi, rồi cho vào chảo chao mỡ. Những miếng cà ra đầy ắp gạch vàng thật thơm, chỉ nhìn thôi đã không thể cưỡng được ý muốn thưởng thức. Khi tiết trời mát mẻ, nhiều gia đình thích làm món lẩu cho những hôm sum vầy nên cà ra lại là một món ăn được các bà nội trợ yêu thích.
Nước gạch óng vàng, thơm mùi hành phi với vị chua thanh dịu của dấm bỗng và ngọt ngào của gạch cua, nhưng đặc biệt hơn là thịt cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nghi ngút khói. Cà ra được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống hoặc bóc mai, xào gạch. Do vỏ cà ra mềm nên rất nhanh chín và khi ăn không cần dùng đến kìm kẹp như ăn các loại cua, ghẹ nên được rất nhiều người ưa thích. Bên cạnh đó, cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cà ra rang me, cà ra hấp...