Bắt đầu từ tháng 8 hàng năm, dòng nước sông Mê kông cuồn cuộn đổ từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Là một trong hai chi lưu của sông Hậu tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), con sông Bình Di bao trọn cù lao An Phú rồi hợp lưu lại tại ngã ba sông Châu Đốc. Đây là điểm phòng chống lụt bão xung yếu của tỉnh và là điểm đầu tiên đón mùa nước nổi về ở khu vực ĐBSCL.
Điểm nhấn của huyện An Phú nói riêng và tỉnh An Giang nói chung những ngày này vẫn là tham quan búng Bình Thiên– một hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất ĐBSCL, nơi cung cấp lượng nước sinh hoạt, trữ lượng thủy hải sản quan trọng của vùng. Tương truyền rằng, một tướng nhà Tây Sơn đem quân đuổi giặc đến nơi này đồn trú gặp hạn. Trước tình cảnh ấy, vị tướng cầu trời, rồi đâm thật mạnh mũi kiếm xuống đất, nước từ lòng đất trào lên, dâng tràn cả một vùng tạo thành hồ nước lớn nằm gọn trong lòng đất liền. Người dân thấy nước trong xanh, uống ngọt, mát nên vui mừng, họ gọi hồ nước lớn trời cho này là búng Bình Thiên hay hồ Nước Trời.
Đặc biệt, mặt Búng đẹp và kỳ ảo nhất khi mùa nước nổi tràn về và điều mà chưa ai giải thích được là cho dù lũ lớn về, nước sông chở đầy phù sa nhưng khi đến cửa búng, dòng nước đục như được gạn đi không để tràn vào làm hoen màu trong xanh của hồ. Buổi tối, bơi xuồng chầm chậm trên mặt nước Búng Bình Thiên phẳng lặng, xa xa tiếng ai xàng xê câu vọng cổ hay nếu may mắn gặp đêm hội biểu diễn thuyền hoa và thả đèn hoa đăng trên mặt nước, khu vực búng Bình Thiên trở nên quyến rũ lạ thường.
Mùa nước nổi năm nay dự báo nước sẽ về nhiều, mạnh hơn các năm trước, nhiều đơn vị lữ hành tại TP Hồ Chí Minh như Saigontourist, Bến Thành tourist… đã sớm nhanh nhạy tổ chức liên kết, nối tour với các công ty du lịch tại các địa phương có môi trường tự nhiên đặc trưng, cùng nhau khai thác tạo nên những sản phẩm tour hấp dẫn. Nét nổi bật của chương trình này là du khách được trải nghiệm cảm giác đa dạng, mới lạ từ 2 - 3 ngày với nhiều điểm đến có điều kiện sông nước tương đồng như: tour Tiền Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Châu Đốc - Hà Tiên hay Sa Đéc - Cao Lãnh - Vườn quốc gia Tràm Chim - Khu du lịch Xẻo Quýt… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn lồng ghép cho khách tham gia sinh hoạt cùng người dân địa phương qua những trò chơi như: thi tài hái bông điên điển, giăng lưới bắt cá linh, bắt lươn vào trúm, săn chuột đồng…
"Có rất nhiều tour, tuyến du lịch đa dạng loại này cho du khách tha hồ lực chọn. Có thể liệt kê như: du lịch Châu Đốc - rừng tràm Trà Sư - làng cá bè, hay du lịch Cao Lãnh - tràm chim Tam Nông - khu du lịch Đồng Sen... Thời gian cho 1 tour du lịch như thế có giá khoảng 2 triệu đồng trong khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm và chắc chắn du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên", đại diện du lịch Saigontourist cho hay.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vào mỗi độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi con nước bắt đầu lên là điểm đến lý tưởng cho các trải nghiệm mùa nuớc nổi như bắt cá linh, chèo xuồng hái bông điên điển... Những ngày này cũng "rạo rực" đón du khách đến tham quan. Khác với các tỉnh khác trong khu vực, đặc trưng của tỉnh là miên man trên màn nước là những đồng sen bát ngát, cánh chim dập dìu chao lượn mỗi chiều về...
Hiện tận dụng lợi thế mùa nước nổi, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đang khai thác du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) với nhiều dịch vụ hấp dẫn như: chèo xuồng ba lá trải nghiệm cuộc sống vùng ngập nước, tự tay thực hiện những công việc sinh kế của cư dân vùng lũ như giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm, săn chuột đồng...
Mùa nước nổi năm nay, ngành du lịch An Giang tiếp tục triển khai bán tour tham quan mùa nước nổi cho khách. Thời gian tới khi vào tháng 11 vốn là thời gian đẹp nhất của mùa lũ hàng năm, tỉnh đang đẩy mạnh việc liên kết với nhiều hãng lữ hành tại TP Hồ Chí Minh nhằm đón đầu, phục vụ du khách.
“Cùng với búng Bình Thiên, khu vực rừng ngập nước Trà Sư cũng đang vào mùa thơ mộng nhất. Vọng gác giữa rừng là nơi khách có thể ngắm toàn cảnh khu rừng tràm trải rộng giữa đồng nước mênh mông, nhìn về phía đông là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đêm đến, khách được đưa lên núi Cấm, nơi có khí hậu như Đà Lạt để nghỉ ngơi và giao lưu văn hóa với người Chăm ở địa phương”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.
Theo Lê Nghĩa
Báo Tin Tức