Theo quan niệm thông thường, giấy là phần nền để thể hiện những hoạt động sáng tạo trên đó như viết, vẽ, in ấn… Song với Trúc Chỉ thì bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, có thể tương tác với các phương tiện, kỹ thuật hay các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú hơn ý nghĩa tác phẩm. Nói cách khác, với Trúc Chỉ, giấy không chỉ là phần nền đơn thuần mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, đóng vai trò như một thành tố chính cấu thành tác phẩm.
Trúc Chỉ là nghệ thuật chế tác giấy thủ công trong giai đoạn cuối cùng khi seo giấy, cho phép các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm trực tiếp lên khuôn giấy. Các ý tưởng sáng tạo, bố cục họa tiết tạo hình… được thực hiện ngay trong quá trình này với sự tác động của nước để tạo nên sự dày, mỏng trên nền giấy, sau đó các hình ảnh, sắc độ sẽ hiện rõ khi có hiệu ứng ánh sáng xuyên qua; hoặc là sự kết hợp các kỹ thuật, chất liệu với nhau nhằm tạo nên tính độc đáo và sáng tạo.
Đến năm 2011, được sự hỗ trợ và đồng thuận của trường Đại học Nghệ thuật Huế, xưởng chế tác thể nghiệm giấy thủ công với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương được khởi dựng tại khuôn viên trường (số 10 Tô Ngọc Vân, Huế). Cùng với các cộng sự là nghệ sỹ trẻ và sinh viên trường Đại học Nghệ thuật, tác giả đã nghiên cứu và hoàn thành quy trình chế tác giấy thủ công từ rơm, mía, chuối, tre… và bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng.
Trải qua nhiều lần triển lãm, trưng bày trên toàn quốc hay ở các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghệ thuật Trúc Chỉ đều được đánh giá cao, là loại hình nghệ thuật đậm nét truyền thống, gần gũi với văn hóa dân gian, giàu sự gia công, sáng tạo nhưng cũng rất tinh tế, thanh cao. Sự ra đời của nghệ thuật Trúc Chỉ là nỗ lực của họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự nhằm xây dựng quan niệm: Giấy cũng là nghệ thuật – Nghề giấy cũng là một nghệ thuật. Và hơn hết, đó là nỗ lực để đóng góp thêm một giá trị văn hóa mới cho Huế, cho Việt Nam./.
Nguồn: dulichhue.com.vn